Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Giáo Xứ Hòa Thuận- Bình Thuận


Vị Trí
Địa chỉ : Ttr. Chỡ Lầu, Bắc Bình, Bình Thuận
Chánh xứ : Linh mục Giuse Nguyễn Văn Chữ
Tel
062-388-0055
E-mail
 
Năm thành lập
1659
Bổn mạng
ĐỨC MẸ MÂN CÔI (7/10)
Số giáo dân
(1369
Giờ lễ
Chúa nhật     :
Ngày thường :
Lịch sử

Lược sử Giáo xứ Hòa Thuận

Giáo xứ Hòa Thuận (trước năm 1975 có tên là Ma-Ó, tiếng Chăm: ma là vùng đất: Ó (Ot) là cây xoài, là một trong những họ đạo nhà quê lâu đời nhất vùng địa đầu Giáo Phận Phan Thiết, cách Tòa Giám Mục 67,6 Km về hướng Đông Bắc, Giáo xứ nằm trong thôn Hòa Thuận nửa lương nửa giáo, thuộc Thị Trần Chợ Lầu, Huyện Bắc Bình, là địa bàn chung sống hòa bình của 18 sắc tộc phân bố trong 16 Xã và một Thị Trấn: Người Kinh chiếm 66,35%, phần còn lại là các sắc tộc khác. Người Kinh theo Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao đài; tuyệt đại đa số người Chăm theo Balamôn giáo (Bà Ni) hoặc Hồi giáo (Bà Chăm); người Hoa, Nùng thờ Phật Bà Quan Âm, các sắc tộc khác thờ thần linh riêng của mình (x. Bắc Bình, truyền thống đấu tranh cách mạng, 1930 – 1975).

Hiện không còn một tư liệu nào khẳng định chính xác tông tích tổ tiên thời gian người công giáo có mặt ở vùng này mà người K’Ho và Rắc-lây là dân bản địa. Có thể có người công giáo trà trộn trong số di dân tự do đợt 01 gốc Việt từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế bởi cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn chạy nạn vào đây lập làng, xã, tổng, để đến năm 1693 Chúa Nguyễn Phúc Chu lập Trấn Thuận Thành và năm 1697 lập Phủ Bình Thuận với 02 huyện Hòa Đa và Yên Phước (Sđđ. Tr 20-21).

Cứ cho rằng Họ Đạo Ma Ó có tên tuổi từ năm thiết lập 02 Giáo Phận Đàng Trong và Đàng Ngoài (09.9.1659) thì tính đến năm 1975 đã trải qua 316 năm, được chia làm 04 thời kỳ:

Thời kỳ Địa Phận Đàng Trong (1659-1844)

Thời kỳ Địa Phận Quy Nhơn (1844-1905)

Thời kỳ Địa Phận Sài Gòn (1905-1957) và

Thời kỳ Địa Phận Nha Trang (1957-1975)

Cũng như mọi Giáo xứ khác, Giáo xứ Hòa Thuận như hạt cải tí ti gieo xuống đất vườn, không ngừng âm thầm tiệm tiến. Lúc đầu chỉ có 50 giáo dân được các linh mục người nước ngoài chăm sóc, tá túc tại Phan Rí Chàm. Sau đó, họ dời cư lên dải đất chạy dài ven sông Lũy, dọc theo Quốc lộ 1, từ bến Thanh Tu đến ngã ba sông Mao, định cư thành Gò Đạo, bị Văn Thân, Cần Vương (1873-1888) sát hại phải chạy tị nạn vào rừng núi Ba-ghe. Qua cơn khói lửa, họ mới về định cư lâu dài bên bờ Đông sông Ma Ó chảy qua vùng đất Hòa Thuận hiện nay.

Qua 04 thời ký mức tăng trưởng tiệm tiến, chủ yếu là mộ dân Bình Định, tậu ruộng. Trong thời kỳ thuộc Địa Phận Quy Nhơn có các Cha An, Đức, Lộc, Chung; thời kỳ thuộc Địa Phận Sài Gòn có các Cha Lễ, Lý (Cha An làm nhà thờ năm 1850 bên xóm cũ, sau đó Cha Lý xây lại nhà thờ năm 1929 tại địa điểm hiện nay là xóm mới). Giáo dân lúc bấy giờ tuyệt đối nghe lời Cha xứ nên việc đạo đức được nâng cao. Thời kỳ Quy Nhơn có 07 Linh mục làm Quản xứ và 15 vị trong thời kỳ Sài Gòn và Nha Trang. Đặc biệt trong thời Cha Nguyễn Thông Lý (1922-1944) ngoài việc tậu ruộng, xây cất Nhà thờ, Ngài đã cổ võ được 02 ơn gọi, là Linh mục Augustinô Nguyễn Văn Lục và Nữ tu Anna Trần Thị Lời. Kế đến là Cha Phạm Văn Nguyện (1957-1967), Ngài đại tu lại Nhà thờ, xây trường Tiểu Học Hòa Thuận và Trung Học Đaminh Hải Ninh, nhà xứ, đường cống Êchim, cầu ông Cố nối liền Xóm Cũ và Xóm Mới.

Hiện nay số giáo dân là 1369 người với 294 gia đình (02 giáo họ Mông Triệu và Vô Nhiễm). Ngoài ra còn có Họ Sông Mao 265 người và Đồng Mới 205 người (trước năm 1975, Đồng Mới có một nhà thờ nhánh. Hiện nay, giáo dân vẫn tập hợp nhau cầu nguyện, và đang xin xây dựng lại Nhà thờ). Kể từ năm 1975 Giáo xứ đã được 02 Linh mục chăn dắt:

Cha F.X Hoàng Kim Điền (1975-1992), tuy là thời kỳ khó khăn, nhưng Ngài vẫn duy trì được những hoạt động mục vụ cũng như xã hội trong Giáo xứ và đã có 03 ơn gọi trong thời của Ngài.

Cha Nguyễn Viết Hiền (1992 …………), đây là thời kỳ thuận tiện cho cả đạo lẫn đời: có Thầy xứ, có cộng đoàn Nữ tu MTG Nha Trang, có HĐMV gồm 12 vị cùng với việc làm ăn khấm khá của giáo dân, lại được Đức Giám Mục quan tâm giúp đỡ. Nhờ vậy số giáo dân càng ngày càng tăng, khai sinh Hội đoàn BMCG, lập ban mai táng Tobia, đào tạo Giáo Lý Viên, Gia Trưởng, Hội Đức Mẹ và các lớp giáo lý.

Ngoài ra, xây nhà cho các Nữ tu (1995), xây lại Nhà thờ (1998), sửa 04 phòng học giáo lý, xây tường thành cho khuôn viên Nhà thờ (1999), và đang còn chuẩn bị xây nhà trẻ Hòa Thuận, nhà truyền thống và đại tu lại nhà xứ.

Tất cả những thành tựu đạt được đó chỉ là bề ngoài, Giáo xứ mong muốn và quan tâm nhất là xây dựng được nếp sống đạo đức văn minh, gia đình công giáo gương mẫu theo gương Thánh Gia Nazareth. Song song là cổ võ việc học: tuy có tăng thêm số học sinh, vinh viên và giáo viên, nhưng trình độ học vấn của giáo dân chỉ ở mức tiểu học. Và ơn gọi chỉ được 03 nam và 01 nữ… quá khiêm tốn.

Hướng tới: đời sống vật chất sẽ được tăng tiến thêm nhờ nhiều điều kiện từ xã hội. Chỉ đáng lo ngại là không có tỉ lệ thuận giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Vì thế, tái truyền giáo là mối quan tâm hàng đầu của Giáo xứ để đạo đời đều tốt, đều đẹp, đều vững. Tất cả xin phó thác trong tay Đức Mẹ Mân Côi là Bổn mạng của Giáo xứ.

Giáo phận Phan Thiết



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét