Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Phố Quang Trung - Hải Phòng





Vị Trí và đặc điểm
Từ Quán Hoa đến ngã ba đập Tam Kỳ, qua đầu các phố Lãn Ông, Trạng Trình, Hoàng Ngân, Tôn Thất Thuyết, Kí Con, Phạm Hồng Thái dài 1155m. Phố thuộc đất bãi là An Biên cũ, trước Giải Phóng thuộc khu Trung Ương.
Lúc mới ở gọi là phố gọi là đại lộ Savátxitơ (Boulevard Chavassieux). Có người đọc theo âm Hán Việt là phố Xa Hoa Sinh. Phố này lúc đó kéo dài từ phố Nguyễn Thái Học hiện nay đến tận cổng Cảng ở điểm tiếp giáp với phố Hoàng Diệu hiện nay. Sau cách mạng tháng Tám, phố đổi gọi là Lê Lợi. Năm 1954, đổi gọi là phố Quanh Trung. Tới năm 1985, đoạn từ Quán Hoa đến phố Hoàng Diệu mới được tách ra gọi là phố Hoàng Diệu.
Savátxitơ là tên viên công sứ thứ hai của thành phố, vốn là phó sứ tòa Hiệp lý Hà Nội, được cử về Hải Phòng thay công sứ Bonnan được thăng chức Tổng trú sứ Trung-Bắc Kỳ. Sau này, Savátxitơ cũng được thăng thụ Toàn quyền Đông Dương từ tháng 3/1894 đến tháng 10/1894.
Quang Trung (1753-1792) một anh hùng kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, đã có công lật đổ chính quyền phong kiến thối nát Lê-Trịnh-Nguyễn, đám tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm La và 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, thống nhất đất nước, chấm dứt cảnh chia rẽ Đàng Trong – Đàng Ngoài do chính quyền phong kiến Trịnh-Nguyễn gây ra kéo dài gần 200 năm. Ông có rất nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa tiến bộ. Rất tiếc Quang Trung mất sớm chỉ ở ngôi được ba năm (1789-1792) nên nhiều dự định không thực hiện được.
Phố Quang Trung gắn liền với việc đào kênh Bonnan, vào năm 1885. Một bức ảnh chụp cuối thế kỉ trước nay còn giữ lại được, khi cầu Đume bắc qua kênh Bonnan ở khu vực Quán Hoa bây giờ cho thấy phố Savátxitơ đã có nhà cao tầng ở bên bờ kênh.
Thời Pháp thuộc phố tập trung nhiều cơ sở kinh tế văn hóa như hiệu buôn Phúc Vinh Xương, khách sạn Lục Hải Thông, xưởng cơ khí Tai Quang. Lô đất của khách sạn Lục Hải Thông vốn là miếu thờ Sơn thần của làng An Biên, đến tận năm 1946 ngôi miếu gỗ này vẫn còn. Nhà hát lớn nguyên trước là địa điểm họp chợ của làng An Biên.

Thời Pháp thuộc sông lấp nước đọng, bùn lầy, đỗ san sát thuyền cũ và sà lan hỏng nát, người Hoa nghèo dùng làm nhà nổi. Cầu Carông (Caron) bắc qua sông lấp nối liền hai phố Quang Trung và phố Nguyễn Đức Cảnh hiện nay, ở trước Công ty Thảm len Hàng Kênh đã bị dỡ bỏ sau giải phóng vì quá cũ. Để đảm bảo việc đi lại thuận tiện, một cầu treo được xây dựng ở đầu phố Cát Cụt thay thế cho cầu Carông. Trước khi cải tạo sông lấp thành hồ Tam Bạc, cầu treo này cũng bị dỡ bỏ.
Ngày nay phố Quang Trung một bên là một phố buôn bán rất sầm uất với nhiều hàng hóa khác nhau bên kia là hồ Tam Bạc với hàng cây rợp bóng mát.
Ngày 30/11/1999, thành phố đã khởi công xây dựng tượng đài Lê Chân tại khu vực vườn hoa trước nhà Triển lãm thành phố. Tượng được đúc bằng đồng, cao 7.5m, nặng 19 tấn là một biểu tượng của thành phố Hải Phòng.  
Nguồn: haiphonginfo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét