Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Pháo đài cổ Phước Thắng- Vũng Tàu


Vị Trí và đặc điểm
Tọa lạc trên Núi Lớn- TP. Vũng Tàu
Trước đây ở Vũng Tàu có nhiều đồn binh (là thành cổ phụ thuộc) có nhiệm vụ bảo vệ đường thủy chống trả những cuộc xâm kích của bọn cướp biển để gìn giữ an ninh trong vùng. Thành này bao gồm nhiều pháo đài, trang bị bằng những khẩu đại bác thần công đúc bằng gang (và đồng) bố trí rải rác ở chân Núi Lớn và Núi Nhỏ do ba đội lính canh giữ. Đối với pháo đài Phước Thắng, tháng bảy, Vua Minh Mệnh năm thứ 20 (1839) sai quân dân Biên Hòa xây đắp ở ghềnh đá Ngọa Ngưu (nay là Hòn Ngưu, Bãi Trước, TP. Vũng Tàu) Pháo đài được xây bằng đá, súng đặt hướng ra biển dùng hỏa lực bảo vệ Vịnh Hàng Dừa (Bãi Trước) và Vịnh Gành Rái. Điều này có nghĩa là Thành Phước Thắng có nhiệm vụ phối hợp với các thành lũy bên Cần Giờ và các pháo đài khác bố trí dọc sông Lòng Tàu để bảo vệ con đường thủy nối biển Đông với Thành Gia Định. Khi xây xong phía trước đồn Phước Thắng đặt 6 khẩu súng đại bác cổ Hồng y, tả hữu mỗi bên đặt 2 cỗ súng Phách sơn, một cỗ súng Quá sơn. Thuốc súng và đạn mỗi cỗ 100 phát, đồng thời phái một Suất đội, 5 pháo thủ và 40 biền binh thuộc tỉnh cùng với viên trấn thủ canh giữ, mỗi tháng đổi phiên một lần.

Chiều ngày 29 Tết Kỷ Mùi (tức là ngày 1-2-1859 ) quân viễn chinh Pháp gồm hơn 2 ngàn lính thủy đánh bộ có 2 hộ tống hạm, 3 pháo hạm, 3 tàu vận tải và một chiếc thông báo hạm do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy đã xuống tàu chuẩn bị hành quân từ Đà Nẵng vào đánh Gia Định. Tất cả hai đoàn tàu đều nhằm hướng Vũng Tàu điểm tập kết vào chiều tối ngày mồng 7 Tết (9-2-1859 ).

Ngay sau khi tới vùng biển Vũng Tàu, lực lượng tác chiến hải quân Pháp đã triển khai đội hình chiến đấu. Hai mục tiêu công kích chính của địch là tòa thành Phước Thắng (tọa lạc ở lưng chừng Núi Lớn, vị trí Bạch Dinh ngày nay). Từ mờ sáng mồng 8 Tết Kỷ Mùi, đại bác từ các chiến hạm Pháp đồng loạt nổ súng bắn chế áp dữ dội. Các xuồng chở lính thủy đánh bộ tiến thẳng vào bờ biển Bãi Trước, đổ quân, tiến đánh toàn tuyến phòng ngự. Quân ta lập tức chống trả quyết liệt. Trong khi các pháo thủ của ta nã đạn vào các chiến hạm, tiến hành cuộc đối pháo không cân sức, bộ binh ta phải đánh lùi những đợt xung phong của lính thủy đánh bộ Pháp nhằm chiếm lĩnh các trận địa pháo trên tòa thành Phước Thắng và đồn binh giữa Bãi Trước. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra suốt ngày mồng 8 Tết trên trận tuyến dài chưa tới 2 km – kéo dài từ thành Phước Thắng đến đầu dốc Núi Nhỏ. Cuộc chiến kéo dài đến cuối giờ Thân bọn Pháp mới chiếm được thành Phước Thắng cùng các hỏa điểm phụ thuộc để tiến vào Gia Định.

Mặc dù pháo đài Phước Thắng bị thất thủ, nhưng tiếng súng mở màn, tràn đầy khí phách pháo đài Phước Thắng ngày ấy đã trở thành dấu ấn quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Phạm Chí Thân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét