Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Đình Đồng Lý- Hải Phòng



Vị Trí
Địa chỉ: Mỹ Đồng, Thủy Nguyên, Hải Phòng
Lịch sử
Đình Đồng Lý, xã Mỹ Đồng (Thuỷ Nguyên) có từ thế kỷ 17, tiềm ẩn nhiều giá trị lịch sử và văn hoá. Trong quá trình tồn tại, đình Đồng Lý ngày càng được tiếp tục mở rộng và trở thành một tổng thể kiến trúc mỹ thuật mang tiến nói của nhiều thời đại lịch sử; nó như một bảo tàng mỹ thuật thu nhỏ với những mảng lớn về mỹ thuật truyền thống. Cũng ở đây còn phản ánh tính chất phức tạp đan xen của nhiều thứ tôn giáo tín ngưỡng nguyên thuỷ dân gian.
Đình nằm trên khu đất phía tây bắc của thôn, bao quanh là cánh đồng lan toả tiếp nối với những xóm thôn đông đúc rợp bóng cây xanh, ngút ngàn hoa trái cam, quất, bưởi, hồng, cau, na … Xưa kia, chùa và đình toạ lạc trên cùng một dải đất cánh xa làng xóm, bố cục theo lối “tiền thần hậu Phật”. Ngày nay, tiếng chuông chùa không còn ngân nữa, nhưng khói lam chiều vẫn toả, ngôi đình hàng ngày còn nghi ngút khói hương. Từ trung tâm thành phố với đủ loại phương tiện từ ô tô, xe máy đến xe đạp đến thăm di tích rất thuận lợi. Đình cách trụ sở UBND xã Mỹ Đồng khoảng 1.200 mét về hướng Tây Nam.
Đình Đồng Lý quay hướng chính tây, nhìn ra cánh đồng lúa trũng, vết tích của dòng sông cổ, xa xa là dòng sông Cấm uốn khúc, quanh năm đỏ phù sa. Mở đầu cho đình là toà tam quan sừng sững được sao chép từ nguyên mẫu cổng đền Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Hưng), trông không khác gì một cung vua, phủ chúa. Kiến trúc chính bố cục đơn giản, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Bộ mái các toà nhà lợp ngói vẩy rồng, rêu phong cổ kính thấp thoáng dưới tán lá bàng cổ thụ càng làm tăng thêm vẻ linh thiêng, u tịch của chốn cổ đình. Cả khối nhà chữ “đinh” xây tường đá xanh xám như được nâng bổng lên bởi 6 mái đao cong cong, bờ mái đắp “rồng chầu, phượng mớm” và “hồi long” đầu kìm, “kim nghê” bờ dải. Bờ nóc tiền đường trổ hàng lá cúc ken nhau, chính giữa đắp “phượng chầu mặt nguyệt”. Phượng hoàng có thân chim, mỏ diều hâu quặp, cổ ngắn, mắt to, bờm tóc hình ngọn lửa, thân phủ vẩy sành, chân có móng chim ưng, đuôi trĩ. Mặt trước toà tiền đường mở cửa gỗ kiểu “bức bàn”, có lắp “mắt cửa” hình vú phụ nữ để cầu phồn thực. Các bộ phận kiến trúc chính như cột, xà, câu đầu, rường, bẩy … bằng gỗ lim, to lớn khác thường. Chu vi cột cái từ 1,2m đến 1,4m.
Đình Đồng Lý là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ đồ sộ và chắc chắn, có sự đan xen hài hoà giữa nghệ thuật Lê (thế kỷ 17) và nghệ thuật Nguyễn (thế kỷ 19 - 20). Hầu như toàn bộ hệ thống cột, hệ thống “nghê” gỗ đội tàu mái, kết cấu hai vì đốc tiền đường là kiêủ kiến trúc từ thế kỷ 17. Những phần còn lại của kiến trúc và dường như cả hệ thống đồ thờ mang tiếng nói nghệ thuật đầu thế kỷ 19. Thời Bảo Đại chỉ để lại hình bóng lờ mờ qua những bức tường, tam quan, bộ mái kiến trúc bởi bàn tay tài hoa của những người thợ ngoã.
Đình thờ danh tướng Sĩ Quyền, một thổ hào có uy lực ở địa phương, thời Hai Bà Trưng. Thần tích ghi rằng: Sĩ Quyền là người Trung nguyên, vì tránh giặc Vương Mãng phải sang ẩn cư tại trang Đồng Lý, đạo Hải Đông thuộc đất Giao Châu (tức miền Bắc nước ta hiện nay). Sĩ Quyền theo Hai Bà Trưng tập hợp nhân dân, nổi dậy khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định ra khỏi bờ cõi. Truyền thuyết và thần tích vẫn dành những lời tốt đẹp nhất ca ngợi Sĩ Quyền và dân binh trang Đồng Lý xưa: “Trên đường đi cờ bay gió thổi vạn dặm, chiêng trống vang rền như sấm động ngàn núi”. Trong trận huyết chiến ở hồ Lãng Bạc, Sĩ Quyền tả xung, hữu đột, chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh. Tương truyền, xác ông trôi về đến bến sông thuộc địa phận trang Đồng Lý thì dừng lại, dân làng an táng Sĩ Quyền theo nghi thức vương hầu tại xứ đồng mả Bến, nơi ngày xưa Sĩ Quyền hoá sinh vào cõi vĩnh hằng.
Đình Đồng Lý là một đài tưởng niệm, di tích ghi nhớ về công lao của các tầng lớp nhân dân Hải Phòng đối với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thời đầu công nguyên. Nó là một di tích nghệ thuật vượt quá giới hạn của một làng xã để trở thành tài sản “viên chung” của đất nước; đồng thời là một biểu tượng khả kính về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ở miền đất “quan yếu”, đầy binh lửa Thuỷ Nguyên.


Nguồn:dulichhaiphong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét