Vị Trí và Đặc điểm
Địa chỉ: huyện Minh Hóa
Văn hóa được xác định là
nền tảng phát triển xã hội. Trên nền tảng đó, di sản văn hóa hình thành và đồng
hành cùng các hoạt động kinh tế xã hội. Di sản văn hóa càng đặc sắc, độc đáo,
có giá trị phổ quát cao thì càng đóng góp to lớn cho sự phát triển xã hội.
Trong
hoạt động du lịch, giá trị văn hóa nói chung và di sản văn hóa tộc người nói
riêng có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự hình thành sản phẩm du
lịch văn hóa tộc người - loại sản phẩm in dấu truyền thống và nhân văn của mọi
tour du lịch, kể cả du lịch sinh thái.
Những giá trị văn hóa tộc người khu vực
Phong Nha - Kẻ Bàng
Vùng
Phong Nha - Kẻ Bàng bao gồm cả khu vực rừng đặc dụng trên vùng núi đá vôi, với
tổng diện tích gần 200.000 ha, là địa bàn cư trú của người Việt, người Chứt
(nhóm Arem, Rục, Sách...) và người Bru - Vân Kiều (nhóm Vân Kiều, Trì, Khùa,
Macoong...).
Các
làng xã người Việt phân bố chủ yếu ở hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa (bao gồm
các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch, Hưng Trạch, Thượng Hóa, Tân Trạch,
Thượng Trạch...). Đó là dân cư các làng Mé, Trằm, Hà Lời, Na, Phong Nha... Rất
có thể họ là những cộng đồng cư dân phân bố ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, vùng
đồng bằng Bắc Bộ và cả vùng đồng bằng Quảng Trạch, Bố Trạch ở Quảng Bình lên
định cư lập làng tại các vùng phụ cận Phong Nha - Kẻ Bàng vào các thời kỳ khác
nhau (có thể từ TK XI theo Chiếu mộ dân của vua Lý Nhân Tông vào lập nghiệp ở
đây và trở về sau, đến TK XVI gắn với sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận
Hóa và Trịnh - Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm giới tuyến) (1).
Vấn
đề ở đây là phải đi sâu làm sáng rõ quá trình thành lập làng xã, sự hình thành
các dòng họ khai canh, khai khẩn, các am miếu, nhà thờ họ, sự tích và huyền
thoại của dân cư, để hiểu được giá trị đặc trưng của hệ sinh thái nhân văn ẩn
chứa trong di sản thiên nhiên thế giới này. Ví như trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An đã nhắc đến đền Chân
Linh và sau này trong Đại Nam nhất thống
chí,Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến đền Tiên sư tự cốc. Đó là ngôi
đền nằm ở cửa động Phong Nha, gắn với lễ hội xin nước tiên của dân cư sống quần tụ quanh lưu vực
sông Son. Người Việt ở khu vực động Phong Nha cho rằng, động này là nơi trú ngụ
của các thần linh, là nơi nguồn nước chảy ra vô tận, nơi giao hòa sinh khí giữa
trời và đất. Vì vậy, nước chảy từ động Phong Nha có khả năng “diệu ứng” cho vạn
vật sinh linh. Hàng năm vào tháng 5 âm lịch, người dân trong vùng tổ chức lễ
cầu đảo (cầu mưa). Lễ vật chính là một con chó đen (đại diện cho con vật uế
tạp), cổ buộc một tờ sớ với lời cầu xin trời đổ mưa xuống và đưa đến trước cửa động.
Người dân trong vùng đứng thành vòng tròn trước cửa động, khi nghe tiếng trống
vang lên (biểu hiện tiếng sấm), trai làng dìm con chó xuống nước, mọi người
cùng nhau nhảy múa hô vang xin trời mưa xuống. Thầy cúng làm lễ cầu khấn trời
đất và các vị thần làm mưa dâng nước để đẩy vật uế tạp đó đi. Theo người dân
trong vùng, sau lễ nghi xin nước tiên, trời đổ mưa to. Từ đó dân trong vùng cho
rằng, lời thỉnh của lễ hội cầu đảo tại đền thờ động Phong Nha có linh ứng. Vì
thế hàng năm vào những ngày đầu mùa hạ, dân trong vùng tổ chức lễ xin nước tiên
để tránh hạn hán mất mùa (2).
Văn
hóa làng xã người Việt nơi đây còn là các món ăn dân gian, nhạc cụ dân gian và
đặc biệt là các điệu hát tuồng, diễn tuồng. Đó là một hoạt động văn nghệ dân
gian đặc sắc thường được tổ chức tại sân đình của các làng vào dịp lễ tết hoặc
các lễ hội khác trong năm.
Văn
hóa tộc người ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn bao gồm văn hóa các nhóm thuộc
tộc người Chứt và một số nhóm thuộc tộc Bru - Vân Kiều. Tuy nhiên, các nhóm
Trì, Khùa, Macoong thuộc tộc Bru - Vân Kiều chỉ mới xuất hiện ở vùng này khoảng
TK XVII, họ chủ yếu ở Lào di cư sang(3). Còn vùng đất này, lớp dân cư có mặt
sớm nhất phải nói đến các nhóm Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng thuộc tộc người
Chứt. Trong đó, người Sách ở vùng thấp (sách là đơn vị hành chính thời phong kiến ở
miền núi, dần dần trở thành tên gọi của nhóm người), Rục là tên gọi chỉ đặc
điểm cư trú của nhóm người ở gần rục nước (rục nước là mạch nước ngầm chảy qua
những lèn, những mô đá lớn), Arem là người ở dưới những rèm đá... Nên nhớ rằng,
vùng núi thuộc khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng có những rèm đá, rục nước...
Tộc
Chứt có khoảng 3.500 người, phân bố chủ yếu ở 11 xã thuộc 3 huyện Tuyên Hóa,
Minh Hóa, Bố Trạch. Trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, người Chứt có mặt ở 6 xã
thuộc 2 huyện: Minh Hóa và Bố Trạch, với khoảng trên 2000 người, bao gồm các
nhóm Arem, Rục, Sách (từ hang động Phong Nha theo đường tỉnh lộ 20, về phía Tây
khoảng 4-5 km chúng ta sẽ gặp các nhóm của tộc Chứt). Họ là những cộng đồng dân
cư nói ngôn ngữ Việt - Mường trước khi tách khỏi Việt. Bởi vậy, họ còn lưu giữ
rất nhiều yếu tố ngôn ngữ Việt cổ như cách roọng (làm ruộng), chôblú (thầy
cúng), kloóng (lễ cúng rẫy), côlốôc (cột cái), Cà Roòng (bản Cà Roòng)... Ngoài
ra, cộng đồng cư dân này còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa nguyên thủy, lạc hậu,
như đời sống du canh du cư, săn bắn, đánh cá, hái lượm làm nguồn sống chính (do
hoạt động kinh tế nương rẫy chọc lỗ tra hạt trên dốc núi, nên năng suất cây
trồng thấp, rủi ro nhiều, nguồn thu từ trồng trọt chỉ đủ nuôi sống họ vài ba
tháng). Làng bản quy mô nhỏ (vài chục nóc nhà, thậm chí vài ba nóc nhà), nhà
cửa hết sức tạm bợ (trừ người Sách, còn lại các nhóm khác, họ sống trong những
ngôi nhà sàn được làm hết sức đơn sơ). Trang phục bằng vỏ cây, trang sức bằng
vỏ ốc núi, vuốt hổ, răng lợn rừng. Nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng rất độc đáo
trong các nghi lễ cúng tế liên quan đến chu kỳ sản xuất, chu kỳ đời người, chữa
bệnh bằng hình thức “thổi” có tính ma thuật. Các hình thức ca, múa, nhạc với
nhiều loại nhạc cụ, như đàn ống, sáo, tù và, chiêng, ché... Có thể còn nêu thêm
nhiều giá trị đặc trưng về di sản văn hóa tộc người khu vực Phong Nha - Kẻ
Bàng, nhưng chỉ những điều đã đề cập ở trên đủ minh chứng rằng khu vực Phong
Nha - Kẻ Bàng ẩn chứa rất nhiều sản phẩm du lịch văn hóa tộc người.
Phải
nói rằng di sản văn hóa tộc người là một tài sản vô giá được tích tụ trong quá
trình lịch sử lao động sáng tạo. Những di sản văn hóa tộc người đó, đã và đang
được đưa vào khai thác trong chương trình du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, thu hút
đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Nhìn
dưới góc độ bảo tồn văn hóa, những di sản văn hóa tộc người là tài sản vô giá
của dân tộc cần được lưu giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nhưng xét về góc độ
du lịch thì, di sản văn hóa tộc người đó còn là những sản phẩm hàng hóa tạo ra
nguồn thu cho từng địa phương, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất
lượng sống của người dân.
Đưa di sản văn hóa tộc người thành sản
phẩm du lịch
Phải
thừa nhận rằng, giữa di sản văn hóa tộc người với sản phẩm du lịch văn hóa có
một khoảng cách quá lớn. Di sản văn hóa tộc người là một kho tư liệu sống, chứa
đựng các giá trị sáng tạo của tộc người đó trong lịch sử. Còn sản phẩm du lịch
văn hóa là di sản văn hóa được quy hoạch, thiết kế, quảng bá để khai thác vào
hoạt động du lịch, nhằm giới thiệu cho du khách hiểu được đất nước, lịch sử,
văn hóa, con người của vùng đất nhất định. Như vậy, sản phẩm du lịch văn hóa
tộc người, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, còn kết hợp
với hoạt động du lịch phục vụ du khách để thu lợi nhuận kinh tế.
Nhưng,
điều cần chú ý là muốn biến một di sản văn hóa tộc người thành sản phẩm du lịch
văn hóa, chúng ta cần tạo ra một loại hình “sản phẩm văn hóa tộc người”. Có sự
khác biệt giữa di sản văn hóa tộc người với tư cách là các giá trị văn hóa, các
hoạt động văn hóa tự thân của cộng đồng dân cư đó với sản phẩm văn hóa phục vụ
du lịch. Lâu nay người ta cứ tưởng rằng, có di sản văn hóa tộc người đặc sắc là
có sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. Theo chúng tôi, không hoàn toàn như vậy.
Nếu muốn biến một di sản văn hóa tộc người thành một sản phẩm văn hóa phục vụ
du lịch, cần phải tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu, trên cơ sở đó tiến hành quy
hoạch, thiết kế thành một sản phẩm du lịch, rồi quảng bá, tuyên truyền giới
thiệu cho du khách biết để họ tự tìm hiểu, chiêm nghiệm và ngẫm nghĩ.
Phải
nói rằng, một trong những hạn chế của du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng là chưa tạo
ra sự đa dạng các sản phẩm du lịch. Dường như tại đây chỉ biết khai thác du
lịch ở hệ thống hang động kỳ vĩ, hệ thống động thực vật đa dạng, mà chưa chú
trọng khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa.
Có
điều phải thừa nhận, trong những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung khai thác
về cảnh quan thiên nhiên của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, ngành du lịch tỉnh
Quảng Bình đã có sự quan tâm đến các di sản du lịch thuộc các di tích lịch sử
văn hóa, như: Đường mòn Hồ Chí Minh, Bến phà Xuân Sơn, các trọng điểm trên
đường 20 - Quyết Thắng, hang Tám cô... Còn di sản văn hóa tộc người ở khu vực
Phong Nha - Kẻ Bàng chưa được quan tâm khai thác. Nơi đây chứa đựng nhiều giá
trị văn hóa tộc người, bao gồm văn hóa làng xã của người Việt ở vùng kề cận
Phong Nha - Kẻ Bàng như làng Mé, Trằm, Hà Lời, Na, Phong Nha...; lễ hội xin
nước tiên, hệ thống các di tích đền miếu, kiến trúc tôn giáo, đặc biệt là
đền Tiên sư tự cốc... cùng
nhiều hình thức sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội của các tộc người thiểu số
khác.
Tuy
nhiên, để trở thành giá trị văn hóa phục vụ cho du lịch thì lễ hội, đền miếu,
món ăn, trang phục đó..., phải tạo ra được sản phẩm văn hóa phục vụ du khách.
Ví như, lễ hội xin nước tiên, trò diễn tuồng là sinh hoạt
truyền thống của cộng đồng dân cư nơi đây, nhưng để trở thành sản phẩm văn hóa
phục vụ du lịch thì lễ hội và trò diễn đó cần phải được tổ chức lại sao cho
phục vụ được du khách.
Kinh
nghiệm cho thấy, muốn biến di sản văn hóa tộc người thành sản phẩm văn hóa phục
vụ du lịch, chúng ta cần phải chú trọng một số vấn đề quan thiết.
Nghiên
cứu, tìm hiểu thấu đáo các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các cộng
đồng dân cư vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, trên cơ sở đó, tổ chức quy hoạch, thiết
kế thành các tour du lịch phục vụ du khách. Việc quy hoạch điểm du lịch văn hóa
tộc người phải tiến hành theo mô hình xây dựng làng du lịch. Làng du lịch văn
hóa các tộc người ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng nên xây dựng theo một số tiêu chí
cụ thể: phải là làng có các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, có
cảnh quan thiên nhiên và môi trường sạch đẹp, có cơ sở hạ tầng thuận lợi, có
khả năng phục vụ du khách tham quan và nghỉ lưu trú qua đêm. Trên cơ sở đó, tổ
chức cho dân làng tham gia các dịch vụ du lịch, như: leo núi, hướng dẫn viên
bản địa, xây dựng các nhà nghỉ cộng đồng, tổ chức các dịch vụ ăn uống giới
thiệu văn hóa ẩm thực
Cần
chú ý đến tính đa dạng của sản phẩm du lịch, bao gồm: cảnh quan thiên nhiên,
các di tích lịch sử văn hóa, làng văn hóa tộc người thiểu số, lễ hội... Sản
phẩm du lịch càng đa dạng, càng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách trong và
ngoài nước.
Hướng
dẫn viên du lịch, các công ty du lịch phải giới thiệu với du khách không chỉ về
giá trị cảnh quan thiên nhiên của Phong Nha - Kẻ Bàng, mà còn tuyên truyền,
giới thiệu cho họ các di tích văn hóa lịch sử, các di sản văn hóa tộc người nơi
đây. Cần phải xuất phát từ sự chân thực nhất trong biểu đạt các di sản văn hóa
tộc người với tất cả tâm hồn, tình cảm và sự hiểu biết của mình, khi ấy du
khách sẽ yêu thích, tò mò, ham muốn tìm hiểu các di sản văn hóa tộc người đó.
Muốn
biến di sản văn hóa tộc người thành sản phẩm văn hóa phục vụ du khách, chúng ta
còn phải xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện vật chất ở những khu vực tổ chức,
thiết kế điểm du lịch. Trên cơ sở đó mới có thể tổ chức hoạt động du lịch văn
hóa tộc người một cách thích hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò
của cộng đồng dân cư, để họ thực sự là chủ nhân của chiến lược phát triển du
lịch.
Quảng
Bình đang cùng với cả nước tiến trên con đường hội nhập, phát triển kinh tế xã
hội. Trên con đường đó, những di sản văn hóa tộc người ở vùng đất này cùng với
di sản cảnh quan thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng đang và sẽ được khai thác,
phục vụ đắc lực cho việc xây dựng các chương trình du lịch.
Hy
vọng rằng, với thế mạnh du lịch hang động, du lịch về cảnh quan thiên nhiên
Phong Nha - Kẻ Bàng, hoạt động du lịch văn hóa tộc người kết hợp với du lịch
các di tích lịch sử văn hóa nơi đây sẽ ngày càng được chú trọng đầu tư phát
triển.
Nguồn: quangbinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét