Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Chùa Trà Phương- Hải Phòng




Vị Trí
Địa chỉ: Thụy Hương, Kiến Thụy, Hải Phòng
Lịch sử
Chùa Trà Phương (chùa Bà Đanh) có tên chữ là “Thiên Phúc tự” thuộc thôn Trà Phương, xã Thụy Hương huyện Kiến Thuỵ. Chùa được xây dựng theo hướng tây. Đây được coi là hướng phổ biến của kiến trúc trước thế kỷ 16, chùa quay về hướng tây là hướng về miền tây phương cực lạc. Theo thuật phong thuỷ của nhân dân ta hướng tây là hướng của những nơi tâm linh chùa đình đền...phải được xây dựng làm sao cho phù hợp với hướng của làng, với mong muốn kinh tế, văn hoá,...ngày càng phát triển,con người thành đạt.
Ngôi chùa hiện nay được xây dựng trên một khuôn viên khá rộng, với bốn bề là những cánh đồng lúa thơm mát  bao quanh chùa là những luỹ tre xanh của người Việt. Chùa mang đậm hồn quê đất Việt. Khi bước vào nơi này ta thấy lòng mình thanh tịnh, mọi vướng bận của đời thường tan biến hết.
Do được nhiều lần trùng tu,  tôn tạo cùng  với dòng chảy của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh chùa đã không còn giữ được vẻ ban đầu của nó. Phần chính của chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ đinh:Chính điện hay còn gọi là thượng điện là nơi thờ phật. Nhà bái đường hay còn gọi là tiền đường, nơi đặt hai bệ thờ, một thờ vua Mạc Đăng Dung và hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toản, một ban thờ mẫu. Xung quanh còn có nhà thờ tổ, nhà khách, nhà bia.
Những dấu vết nhà Mạc ở chùa còn khá nhiều: chân tảng đá, hình rùa đế bia, đá ốp tường...Hình ảnh rùa đế bia hiện con hai con, một ở chùa Thiên Phúc (Hoà Liễu), một ở chùa Thiên Phúc (Trà Phương). Với hình dáng đơn giản,  rùa có hình khối mập, mai cong, thân dày, cổ vươn thẳng về phía trước, mỏ gần như mỏ chim, cổ có một hoặc hai ngấn khắc chìm. Tuy nhiên con ở chùa Thiên Phúc (Trà Phương) thì được tạc đơn giản hơn, thô sơ hơn con ở chùa Hoà Liễu. Về mặt sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao và thân hình vững chắc, rùa không ăn nhiều nhưng lại nhịn tốt nên được coi là con vật thanh cao, thoát tục. Rùa còn tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Vì mang phong cách rùa đế bia ở chùa Nhân Trai, chùa Hoà Liễu nên như vậy rùa ở chùa Trà Phương hẳn là đế của một trong hai tấm bia nhà Mạc ở nhà bia. Nhưng vì chưa có sự đo đạc chính xác nên chưa xác định được đây là chân của tấm bia nào. Phía bên phải là 3 chân tảng đá với những kích thước khác nhau từ 74 đến 82cm, có hình khối vuông dẹt, mặt tảng trạm thành gờ tròn nổi cao để chân cột. Về niên đại, các chân tảng đá sen ở đây gần như chân tảng ở thời Mạc ở chùa Lạng (Hải Hưng). Điểm đặc biệt của ba chân tân tảng đá là xung quanh mặt tròn chạm nổi là 16 cánh sen , mập, mũi cánh sen thon nhọn. Nhắc tới hoa sen là nhắc tới một loài hoa được đời yêu quý, nhất là trong giới phật tử. Ngay tại khu nhà bia của chùa có một đầm sen khá rộng, toả hương thơm ngát vào mùa hè. Hoa sen có năm đức tính: tánh không nhiễm, tánh trừng thanh, tánh hương vị thuỳ mị, tánh tinh khiết,  tánh cố gắng và kiên nhẫn.
Trong giới phật giáo kẻ tu hành được ví với hoa sen. Sống trong bùn lầy dơ bẩn, cây sen không nhiễm bùn. Trước sự cám dỗ của cõi đời trần tục, người tu hành không những vô nhiễm mà còn cảm hoá. Hương sắc của hoa như cái hạnh của người tu, không lả lơi khêu gợi. Và bởi sư tinh khiết của hoa sen mà được người đời đặc biệt chọn để cúng dường ngôi Tam Bảo. Và rồi ba lớp “đất, nước, hư không”.
Sự sinh thành của cây sen hình dung được ý trí của người tu giải thoát. Phải chăng bao gồm đầy đủ cả những đức tánh: thanh tịnh, tinh khiết, kiên nhẫn cảm hoá... như đức tánh của người tu hành mà hoa sen được dùng làm đối tượng tiêu biểu cho những triết lý màu nhiệm trong đạo phật. Phải chăng vì những lý do đó mà  hoa sen được coi là một vật quý trọng và tôn kính hơn hết. Khi bước vào chùa ta nhìn thấy trước tiên là chỗ ngồi và chỗ đứng của các chư phật đều làm thành hình đoá sen to mà phật học gọi là liên toà .
Những đoá sen còn búp sẽ được dâng cúng trước ban thờ phật.khi lễ phật hai bàn tay chấp lại thành hình hoa sen hay gọi là liên hoa hợp chưởng biểu thị cho lý và trí.ngoài ra trong phật giáo còn có lối ngồi kiết già- liên hoa toạ.
Người Việt ta thờ phật theo lối bình dân nên rất cần đồ thờ dể vừa gợi ý đi vào tâm đạo, vừa gây ý thức trang nghiêm sùng kính. Những pho tượng trên chùa nhăm mục đích nói về những lẽ đạo, đồng thời là những bai học dạy lam theo tư tưởng phật giáo.Vì thế khi đi lễ chùa người phật tử thường ngước lên chiêm ngưỡng phật mà tìm về như lai.
Cũng như các ngôi chùa khác chùa Trà Phương cũng có một chính điện với các pho tượng phật được sắp xếp cân đối đều dặn từ trên xuống dưới.Trong những pho tượng ấy nơi đỉnh tôn nghiêm cao nhất là thể hiện thờ triết lý vô thường.Mọi vật luôn luôn biến đổi hay là triết lý về thế gian: Thế là đời gian là không gian, thời gian.
Vậy thế gian là đời sống trong mọi không gian thời gian. Mọi không gian, thời gian ấy bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai hay còn gọi là tam thiên thế giới. 3000 thế giới đó là ba đại kiếp: Trang nghiêm đại kiếp, hiền đại kiếp, tinh tú đại kiếp. tôn tại trong ba đại kiếp ấy gọi là “Tam thế thường trụ diệu pháp thân phật” nghĩa là pháp thân phật diệu kì trụ vững cả ba kiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai vĩnh hằng không sinh, không diệt, không đổi. Ba pho tam thế không to lắm thường có kích thước và kiểu ngồi giống nhau nhưng các pho tượng tam thế theo phong cách Mạc có “nhục khảo”nổi rất cao và các thế tay mỗi pho tượng một kiểu. Hiện nay ở chùa Trà Phương còn có năm bệ tượng phật có niên đại từ thời Mạc.
Trong đó có ba bệ tượng đặt bộ tượng đặt bộ tượng tam thế và hai bệ còn lại đặt tượng Adiđà. Các bệ tượng này đều có hình khối mập, mặt bệ gần hình bầu dục, xung quanh bệ chạm hai lớp cánh sen ngửa, dáng sen bè mập. diềm cánh sen có điểm thêm các đường chỉ chìm viền quanh vai lõm, đầu uốn cong lên. Trên các bệ tượng gỗ, các đường diềm đơn giản hơn nhưng đầu cánh sen lại có hình hoa mai cánh tròn. Cũng có bệ có một lớp cánh sen úp, dáng đơn giản và kích thước nhỏ.
Tiếp theo ở hàng thứ hai đặt bộ tượng Di Đà tam tôn với tượng Adiđà ở giữa, hai bên là đại thế chí bồ tát và quan thế âm bồ tát. Tượng ADiĐà được tạo trên đỉnh đầu có nhục khảo, tóc xoăn, có kích thước to lớn để gây ấn tượng về thế lực siêu linh với ý nguyện lớn lao của phậtlà giải thoát chúng sinh. Ý nguyện này còn được thể hiện một bên có tượng Quan Thế Âm bồ tát vị phật thấu hiểu mọi tiếng kêu rên của chúng sinh, một bên có đại thế chí bồ tát hai tay bưng bộ kinh phật thể hiện ý niệm lớn lao theo phật cứu đời.
Chữ vạn trên ngực phật cũng là nói về trí tuệ từ phật toả ra. Khởi thuỷ chữ vạn không phải của nhà phật, từ xa xưa nó vốn là của người Ariăng để tượng trưng cho thần lửa, nó được kết thành hình như hiện thấy để biểu hiện về uy lực, vận dộng và phát triển của lửa. Với tám đầu lửa nó còn được nhìn nhận như một biểu tượng của mặt trời. Vào với đạo phật với uy lực lớn lao, chữ vạn sớm được hoá thân để biểu hiện cho sức mạnh của trí tuệ. Nó là tóc kết xoắn ốc trên đầu phật để như một đảm bảo cho sự sang suốt vô biên. Ở trên ngực phật nó hiện hình nguyên vẹn tượng trưng cho ngọn lửa thiêng tam muội nhằm phát triển thiện căn. Ngoài ra nó còn được giải thích là các tia lửachuyển ngược chiều kim đồng hồ thể hiện từ dương qua âm hợp với triết lý đạo phật là không cầu sinh.
Ở hàng thứ ba đặt bộ tượng hoa nghiêm tam thánh với tượng Thích Ca hai trợ thủ của ngài là bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền.
Ở ngôi chùa Việt việc thờ triết lý và sự tích phật là rất quan trọng nhưng còn một phần nữa cũng không kém phần quan trọng là thờ các biểu tượng ngằm xây dựng các biểu tượng chân, thiện, mỹ cho con người, đó chính là việc tờ các quan âm. Tượng quanam đượcthờ dưới rất nhiều hình thức khác nhau ma đặc tưng cho tượng quan âm thế kỉ 16 -17 là tượng quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Tượng ra đời vừa mang tính chất huyền thoại vừa hiện thực. Huyền thoại bởi sự tích về nàng Diệu Thiện bỏ mọi giầu sang, vượt mọi nguy hiểm quyết tâm tu hành, còn hiện thực bởi câu ngạn ngữ “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” quan âm cứu khổ cho mọi chúng sinh không gì ngoài khối óc và đôi bàn tay của mình. Người Việt Nam ta rất tự hào khi nhắc đến:
                                    “Thần thông nghìn mắt nghì tay
                                    Cũng trong một điểm linh đài hoá ra
                                    Này trong bể nước Nam ta
                                    Phổ Môn có đức phật bà Quan Âm”
Hàng thứ tư này ngoài quan âm Thiên Thủ ThiênNhãn hai bên còn có hai trợ thủ của ngài là Mục Niên và bồ tát Niên Hoa.
Ở hàng dưới cùng là toà cửu long Thích Ca sơ sinh gắn liền với sự tích đức phẩt ra đời. Hai bên là hai vị vua Đế Thích và Phạm Thiện.
Ở các ngôi chùa khác sẽ thấy hai pho Khuyến Thiện và Trừng Ác được đặt ở hai bên phía ngoài của toà tam bảo. Nhưng ở đây hai pho này lại được đặt ở trong toà tam bảo phía dưới toà cửu long. Đây có lẽ chính là sự linh hoạt trong cách bài trí tượng của nhân dân ta.
Ở hai bên của phật điện có bộ phận điện diêm vương với mỗi bên năm vị chức năng xét công tội khi sinh thời của các kiếp đời đã qua để thưởng phạt theo luật luân hồi thể hiện lẽ sống và cái chết của con người. Cho đến nay chẳng ai biệt được cảnh âm phủ, địa ngục thực hư ra sao, nhưng những hình tượng được dựng lên ở đây là cân phúc cân tội, là nhắc nhở người ta ở hiền gặp lành, khuyến thiện trừ ác. Ấy là thờ phật cứu người, thờ phật để dấy lên đức nhân, đức nghĩa, một đạo lý làm người mà nhân dân ta đời đời nuôi dưỡng và làm cho người ta an tâm với cái chết một khi đã ở lành làm việc thiện.
Bước vào chùa phía bên phải ta bắt gặp một ban thờ, đây là ban đức ông người cai quản mọi cảnh chùa của thế gian. Đây là ban mà khách phải tiếp cận đầu tiên vào lễ phật như một hình thức “xin phép” trước khi tiếp cận với chư phật và bồ tát. Đối diện phía bên kia ban đức ông là thánh hiền, người đại diện cho tất cả sư sãi của mọi thời đại.
Với người Việt ta, nguyên lí me sinh từ lâu đã ăn sâu trong tiêm thức. Ngoài ra vào thời kì phong kiến với tư tưởng trọng nam khinh nữ, chỉ các cụ ông mới được lui tới đình, còn chùa là của từ bi, bác ái, nên hợp với các bà mẹ. Xưa có câu “trẻ vui nhà, già vui chùa”.Các bà mẹ khi đã đến tuổi nhàn hạ cháu con thì thường quy y bên chùa lễ phật gọi là các bà vãi. Vì thế ngày nay hầu hết các chùa đều có thờ mẫu, nhỏ thì một ban, lớn thì cả một điện. Chùa Trà Phương cũng có một ban thờ mẫu nằm ở phía trong cùng bên trái .
Lịch sử hình thành nhà bia và nhà bia chùa Trà Phương.
Theo hoà thượng Thích Quảng Mẫn trụ trì chùa Trà Phương thì chùa Trà Phương vốn có từ lâu, ở cuối làng, nền cũ là khu gò cao, thời chiến tranh thì đây là nơi đặt ụ pháo. Có thể về sau chùa chuyển về  địa điểm gần ven đầm cổng phủ hiện nay. Dấu vết kiến trúc của chùa Trà Phương thời Mạc chỉ còn một số thềm, bệ đá... phong cách kiến trúc hiện còn tiêu biểu cho kiến trúc niên đại thời Nguyễn. Qua nhiều lần tôn tạo và trùng tu chùa có khuôn viên như hiện nay.
Chùa xưa nằm ở vùng Dương Kinh nhà Mạc bởi vậy cho đến nay dấu vết nhà Mạc còn lại là nhà bia với tấm bia đá có niên đại khoảng năm 1562. Tấm bia cao khoảng 1,035m; rộng 0,68m, dày 0,2m. Cả hai mặt bia đều trang trí bằng chữ hán và được đặt bệ mới xây bằng xi măng.
Trang trí trên bia ở mặt trước có đôi rồng chầu mặt trời, xung quan viền bia chạm cúc dây, mặt sau chạm hai con chim phượng và hai hoa cúc trong đó mỗi biểu tượng lại mang ý nghĩa, biểu trưng riêng. Hình tượng rồng chầu mặt trời- mô típ này không phải thời Mạc mới có mà xuất hiện sớm nhất là hình tượng rồng cầu mặt nguyệt trong tháp chùa Phổ Minh- Nam Định có niên đại khoảng 1305- 1310.
Rồng là con vật mang ý nghĩa linh thiêng về đời sống tâm linh con người và vừa có ý nghĩa tượng trưng cho sự hội tụ biểu thị cho quyền lực tối cao của nhà vua trên lĩnh vực tinh thần. Đồng thời nó là biểu tượng của nguồn nước, ý thức cầu mưa phục vụ cho đời sống của nhân dân gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.
Rồng thời Mạc chịu ảnh hưởng của rồng thời Trần: thân mập khoẻ, nét chạm dứt khoát, có nét tự do trong xu hướng như muốn thoát khỏi sự ràng buộc, trên bia đá và ảnh hưởng cua rồng thời Lê sơ (rồng mũi to, có hai sừng, hai tai rõ rệt, lông mày nổi lên hình răng cưa chùm lên hai mắt, miệng há lớn nhe hàm răng dữ tợn, thân uốn nhiều khúc mạnh mẽ dứt khoát, bụng luồn phía dưới. Tuy hai con rồng thời Mạc trên tấm bia đá này không chịu tuân theo một bài bản nào nhưng vẫn chứa đựng đầy chất dân gian.
Mặt trời chính là tượng trưng cho ánh sáng, sự sống, trí tuệ. Hầu hết các tấm bia vào thời Mạc đều có hình mặt trời hoặc mặt trăng với những hoa cúc dây tạo nên nét vẽ tinh tế và uyển chuyển.
Hoa cúc là một loại hoa đẹp lâu tàn và được sử dụng rất nhiều cho các chùa tháp ở Việt Nam. Ở đây hoa cúc được trang trí ở diềm bia với một dây hoa lượn hình sin, ở mỗi khúc uốn có một bông cúc cách điệu chỉ diễn tả bằng những nét vẽ mỏng và cong với ý nghĩa người xưa gửi gắm vào nó như nguồn phát sáng, gắn với hình ảnh sấm chớp thẻ hiện ý thức cầu mưa một cách cụ thể.
Ngoài ra hình tượng hai con chim phượng ở phía sau bia thể hiện quan niệm của người xưa. Đây là một trong những con vật thiêng. Chim phượng là vua của các loài chim và tượng trưng cho điềm lành, có khi làm một cặp với con rồng tượng trưng cho uy quyền của dòng tộc. Rồng tượng cho vua, phượng tượng trưng cho hoàng hậu. Phượng còn gắn với tích phật giáo chân dẫm lên đài sen, miệng ngậm lá đề biểu hiện tiếng hót dịu ngọt, lời ca của phật pháp dẫn người nghe đến bờ giác ngộ. Chim phượng được chạm với tư thế vỗ cách bay về phía mặt trời thể hiện quyền năng và trí tuệ vô biên.
Nội dung của tấm bia đá ở mặt trước dưới hàng chữ “Tu tạo Bà Đanh tự chi bi” ghi lại công đức của bà Thái Hoàng thái hậu cùng các vương phi và các vị phu nhân, và trưởng công chúa, quận công cúng tiến tiền bạc và tu sửa chùa. Mặt sau là hàng chữ “ tín thế điền” ghi lại việc hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cúng ruộmg 1 mẫu 9 sào làm của Tam bảo, bia được dựng năm Thuần Phúc năm 1562.
Tấm bia thứ hai được chôn sâu vào tường của chùa, không có bệ, cao 1,04m; rộng 0,65m. Hiện bia đã bị mờ rất khó đọc.
Phần phía dưới bia là thành bậc đá chạm sâu chôn ở trước cửa nhà bia. Mặt gốc chạm hai con sấu tương tự, sấu có tư thế trườn chạy từ trên xuống dưới, bốn chân gập khuỷu, má bầu, mõm dài. Sấu cũng là một linh thú thường gặp trong kiến trúc cổ Việt Nam từ thời Lý - Nguyễn.

Nguồn:dulichhaiphong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét