Vị Trí và đặc điểm
Chùa Long Hải tọa lạc trên đồi cát cạnh bờ biển thuộc Phường Đức Long Thành Phố Phan Thiết. Xưa kia Chùa chỉ là một am thờ phụng tam bảo.
Năm Duy Tân thứ 3 (1909). Sư Từ Nhơn ở Chùa Linh Sơn phát tâm đến am tranh để trụ trì và hoằng hòa Phật pháp nên dân làng dựng thành Chùa và đặt hiệu “Long Linh Tự”.
Năm Khải Định nguyên niên (1916), dân làng và Phật Tử góp công, góp của mua gạch ngói và xây dựng chùa tranh thành Chùa tường xây mái ngói và đổi tên thành “Long Hải Tự”. Hiện nay Chùa còn giữ 2 đạo sắc do vua Khải Định phong cho Tiêu Diện Đại Sĩ và Quan Thánh Đế Quân, Hòa Thượng Nguyên Lý hiệu Từ Quang được Hòa Thượng Tâm Hiền Chùa Long Đoàn tranh cử về làm trụ trì Chùa Long Hải. Sau khi Hòa Thượng Tâm Hiền viên tịch, Ngài Từ Quang phải về lại Chùa Long Đoàn để thay thế Bổn Sư trụ trì Chùa Long Đoàn (núi Trà Cú).
Chùa Long Hải ngoài nơi Chánh điện thờ Phật, bên cạnh còn có Chùa Thanh Minh thờ Tiêu Diện Đại Sĩ và Thập loại cô hồn (do đó Chùa Long Hải còn gọi là Chùa Mã Lạn). Hằng năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, Chùa thường mở hội chay cầu siêu bạt độ cho thập loại cô hồn.
Tượng Tiêu Diện Đại Sĩ Chùa Long Hải cao gần 1,5 mét ngồi trên một cụm đá rất oai hùng. Đây là một trong những pho tượng Tiêu Diện Đại Sĩ đẹp và lớn nhất của Tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Chùa Long Hải là cơ sở hội họp, cất giấu vũ khí của kháng chiến. Chùa hiện nay còn giữ được một số hoành phi liễn đối chạm trỗ tinh vi, chính giữa điện phật có hoành phi : “Đại Đạo hoằng thâm” và đôi liễn :
“Thủy nhiễu sa hồi tú khí huân chủng triều vạn trũng
Phong hòa lãng tịnh âm linh hiển tá quần sinh”.
Tạm dịch :
“Nước quanh cát tụ tú khí hung linh phò vạn mã
Gió hòa sóng lặng âm linh hiển hích giúp quần sinh”.
Nguồn: Chùa Phật Ấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét