Dòng thác Yang Bay như cô gái làm duyên lưng chừng núi rồi đột ngột làm mình làm mẩy đổ xuống trong trò chơi cảm giác mạnh.
Giới thiệu
Khánh Vĩnh là huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Khánh Hoà nhưng giàu cảnh đẹp như tranh vẽ. Ai đã một lần đến với suối reo, thác đổ, rừng đại ngàn huyền thoại là dùng dằng chẳng muốn quay về. Vùng đất bazan màu mỡ không chỉ nổi tiếng với cánh rừng bí ẩn mà còn gắn liền với những chiến tích lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Yang Bay là điểm đóng quân trực tiếp trong trận đánh mở màn tại Tô Hạp trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ trung tâm thành phố Nha Trang, theo đường 23 tháng 10 rẽ phải qua cửa Đông, cửa Tây của Thành cổ Diên Khánh khoảng 25 km, du khách sẽ đến ngã ba Sông Cầu, trung tâm của Khánh Vĩnh. Rẽ trái thêm 14 km sẽ tới Khu du lịch Yang Bay nằm giữa thung lũng trải rộng trên 570 ha ở độ cao 100 m so với mực nước biển.
Dường như mọi cung đường đều phảng phất nỗi niềm bi tráng. Một cơn mưa núi vừa đi qua giống như gã tình nhân phóng túng ghé thăm người tình nhưng cũng kịp để lại chút dư vị mơ hồ sương khói.
Điều kiện tự nhiên khiến Yang Bay trở thành khu du lịch sinh thái núi rừng lý tưởng. Đến đây, du khách được tận hưởng không gian thoáng đãng, khám phá vẻ hoang sơ của núi rừng và chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thác nước. Dòng thác Yang Bay như cô gái làm duyên lưng chừng núi, rồi đột ngột làm mình làm mẩy đổ xuống trong trò chơi cảm giác mạnh. Thác nước cao 30 m giữa rừng già khiến bao khách văn nhân phải dừng chân cảm tác.
Thác Yang Bay bắt nguồn từ đỉnh Gia Kang với độ cao 900 m. Cuối dòng, thác chia làm hai, một dòng hoà với nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ cao hơn bình thường. Người ta thường ví hai dòng một nóng, một lạnh này như hai dòng sữa mẹ, tạo nên hình hài thác Yang Bay vừa hoang sơ mãnh liệt, vừa tiềm ẩn vẻ đẹp liêu trai.
Truyền thuyết
Truyền thuyết kể rằng, ở trên dãy núi Gia Kang có rất nhiều tảng đá nhẵn và bằng phẳng như bàn cờ. Ngày xưa, nhà trời và trần gian rất gần nhau nên Ngọc Hoàng và các nàng tiên trên thượng giới thường xuống đây dạo chơi và mở tiệc dịp đầu xuân. Trong số tiên nữ có nàng tiên út thường tách ra, cải trang thành thôn nữ để đi vào bản làng và được ông bà Cau Phú nhận làm con nuôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nàng đem lòng yêu chàng trai trong bản tên là Cau Sơn. Ngọc Hoàng tức giận hoá phép biến Cau Sơn thành đá. Nàng nhất quyết ở lại để canh giữ tượng chồng, hái rau, bắt cá sống qua ngày và nuôi con khôn lớn.
Ngọc Hoàng giận hạ giới dám giữ nàng tiên út ở lại làm dâu con nên đã ra tay trừng phạt, không cho một giọt nước nào rơi xuống trần gian. Trời làm nắng hạn, tất cả sông suối, hồ ao đều khô cạn. Đang lúc hoang mang và thất vọng, bỗng nhiên có hai mẹ con nhà cóc xuất hiện, ngày ngày cóc mẹ cứ nhảy qua những cái hố mà các loài thú đào, vừa nhảy vừa kêu lên ai oán cho đến khi hơi tàn lực kiệt mà chết. Cóc con chờ mãi không thấy mẹ về cũng kêu khóc thảm thiết rồi chết theo.
Biết được chuyện này, Ngọc Hoàng vô cùng ân hận và cảm động, nước mắt chảy xuống chỗ cóc mẹ nằm tạo thành thác lớn, chỗ cóc con nằm tạo thành thác nhỏ. Nước mưa chạm vào tượng đá Cau Sơn làm chàng sống lại và đoàn tụ với mẹ con nàng tiên út.
Để tưởng nhớ mẹ con nhà cóc và muôn loài, người đời đã đặt tên cho thác lớn là Yang Bay (thác trời), thác nhỏ là Yang Khang (con trời), và thác Ho Cho (thác mẹ).
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét