Vị Trí
Phường Bình Hiên, TP. Ðà Nẵng
Lịch sử
Chùa Long Thủ (nay là chùa An Long) tọa lạc trên khu đất nằm sau lưng Bảo tàng Điêu khắc Chăm, bên bờ sông Hàn thuộc phường Bình Hiên, thành phố Đà Nẵng. Chùa được khởi dựng vào năm 1653. Nhưng trải qua nhiều thế kỷ biến động, chùa cũ Long Thủ không còn nữa. Diện mạo của chùa,như đang thấy bây giờ là kết quả của cuộc đại trùng tu vào năm 1961, đồng thời đổi tên chùa thành An Long.

Tuy nhiên, chứng tích của chùa cũ Long Thủ, cũng là di vật quí giá của chùa này, hiện vẫn giữ được trong khuôn viên chùa là tấm bia đá cổ "Lập Thạch Bi Long Thủ Tự" được phát hiện và đặt (lại) ở vị trí cổng chùa từ năm 1903, được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định "liệt hạng" năm 1925. Tấm bia chùa cổ Long Thủ này làm bằng đá sa thạch màu xám, kích thước 1,25m x 1,20m x 0,21m, hình thang cân đỉnh tròn, được dựng vào năm Thịnh Đức thứ 5 - triều vua Lê Thần Tông (1654) do ông Lê Gia Phước, pháp danh Bảo Giám, người làng Hải Châu, Đà Nẵng viết.
Nội dung bia nói về việc xây dựng và tên gọi của chùa Long Thủ, họ tên của những người đã đóng góp tiền của, đất đai để xây dựng chùa cùng danh sách những mảnh đất được cúng.
Theo nội dung văn bia thì ngày xưa ở vùng Nại Hiên, Đức Phật thường cứu giúp những người bị hoạn nạn và hiện thân với đầu rồng, vì vậy các tín đồ Phật tử thường đến đây cúng giàng. Ông Trần Hữu Lễ là người trong làng đã dâng cúng một khu vườn để xây dựng ngôi chùa làm nơi thờ phụng Đức Phật; các tín đồ trong vùng đã góp tiền của, ruộng đất để xây dựng ngôi chùa, đúc chuông, tạc tượng vào năm Giáp Tuất (1653).
Theo lời kể của một số người già thì trước kia chùa có 2 chiếc chuông lớn và nhiều tượng đẹp, nhưng đã mất mát dần trong chiến tranh. Chùa Long Thủ (1653) và bia "Lập Thạch Bi Long Thủ Tự” (1654) gắn liền với lịch sử giai đoạn đầu mở mang bờ cõi ở phía Nam đất nước. Trải qua nhiều thế kỷ, hóa thân thành chùa An Long hiện đại, vẫn là một tòa Phật tự danh lam của Việt Nam ở miền Trung.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét